Ước mơ vào đời

Sau 8 tháng khởi nghiệp công ty phá sản, tôi trắng tay và nợ gần 60 triệu. Lúc đó tôi chẳng có tiền ăn sáng, ăn trưa, trả tiền nhà trọ… Vì không có tiền sửa xe tôi dẫn bộ chiếc cub 50 gần 15 km trong đêm khuya, bụng đói cồn cào mà trên người chẳng còn gì quý giá để cầm cố.

Tuổi thơ tôi gắn bó với vùng Đồng Tháp Mười. Lúc còn học lớp một, khi cùng đám trẻ chăn trâu ở vùng kinh tế mới, tôi đã dõng dạc tuyên bố rằng khi lớn lên tôi sẽ xây cho trẻ em ở đây một ngôi trường to, đẹp chứ không phải cái trường nhà tranh vách lá mà cứ mỗi lần mưa gió lớn cả thầy và trò phải chạy ra ngoài vì sợ sập. Tôi phải làm cho quê tôi giàu đẹp, bọn trẻ không còn lam lũ bỏ học để sáng sớm đi tắm trâu, nhổ mạ, mót lúa; chiều cho heo ăn, gánh nước, bắt cá…
Buồn cười nhất khi tôi hùng hồn tuyên bố với đám trẻ rằng Đà Nẵng là nơi xa nhất, tận cùng nhất của trái đất và nhất định khi lớn tôi sẽ đến đó (dù chỉ 1 lần loáng nghe một người bạn của ba nói Đà Nẵng xa lắm). Lúc đó đám trẻ ấy nhìn tôi với vẻ ngưỡng mộ lắm. Và đến năm 2002 tôi cũng có cơ hội được đến nơi “tận cùng trái đất” ấy, nghĩ lại lời nói hôm nào, tôi tự cười một mình. Một cảm giác bồi hồi của thời thơ ấu chợt tràn về.
Năm 1995 tôi ra thị trấn học rời xa vùng quê hẻo lánh, heo hút mà tôi đã sống, gắn bó gần 10 năm với biết bao kỷ niệm. Trong suốt thời gian từ năm tôi học lớp 7 cho đến lúc tôi rời ghế giảng đường đại học để thực hiện một cuộc phiêu lưu vô cùng mạo hiểm và cho đến hiện nay dù cuộc sống của tôi khá ổn định cũng như thay đổi rất nhiều cả về suy nghĩ, nhận thức, ước mơ, hoài bão…nhưng tôi không hề quên lời đã nói với đám trẻ chăn trâu năm nào.
Trải qua mỗi giai đoạn, tôi lại có dịp du lịch đến các vùng đất mới, quen thêm những người bạn mới, học hỏi thêm nhiều điều mới để ngày một trưởng thành và chín chắn hơn trong những suy nghĩ và hành động của mình. Và không chỉ dừng lại ở những kỳ du lịch như ước mơ hồi còn nhỏ, tôi đã có cơ hội vươn xa hơn rất nhiều. Những điều đó đã trở thành những ký ức đẹp tôi sẽ mãi không quên trong suốt cuộc đời này.
Năm 1999 tôi đỗ vào Đại học Nông Lâm Thành phố HCM, cũng một năm sau đó tôi đậu tiếp vào ngành xây dựng Đại học Bách Khoa thành phố HCM. Năm 2000 khi vừa đủ 18 tuổi dù tôi rất khỏe mạnh, tôi đăng ký hiến xác cho Bộ môn giải phẫu học - Đại học Y Dược thành phố HCM.
Cũng trong năm này tôi tình nguyện hiến máu nhân đạo cho Hội chữ thập đỏ Thành phố HCM từ đó đến nay đã gần 40 lần. Tất cả việc tôi làm, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình còn khả năng thì cứ cống hiến, cứ cho và nếu sau này có “trở về cát bụi” thì bản thân tôi vẫn không phải nuối tiếc điều gì.
Tháng 9 năm 2000 tôi rời làng đại học Thủ Đức vào nội thành để bắt đầu đi làm từ dạy thêm, giữ xe, bốc vác, phụ hồ, giao cơm, phục vụ nhà hàng, phụ bếp…Cũng nói thêm rằng điều kiện gia đình tôi lúc ấy và hiện tại thuộc dạng khá giả, đầy đủ...(Vì tôi muốn tự lập, tự chịu trách nhiệm việc mình làm và được thử thách bản thân).
Tháng 6 năm 2002 tôi có những ước mơ mới hơn, đó là được đi chu du vòng quanh Việt Nam để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như thưởng thức các món ăn độc đáo của tất cả các vùng miền; được quan sát, học hỏi kiến thức về văn hóa, lịch sử,…ở các vùng đất mới, đặc biệt là tiếp xúc người nông dân để gần họ, hiểu họ và muốn giúp đỡ họ nhiều hơn.
Tháng 6 năm 2004 sau khi tìm và đọc cuốn tự truyện “Không bao giờ là thất bại” của cố chủ tịch tập đoàn Hyundai tôi như bừng tỉnh lại sau một giấc ngủ dài. Tôi cảm nhận những lo toan ngắn hạn của sinh viên lúc ấy như thể để cho qua, để đối phó, kiếm điểm cao, có việc làm hay kiếm tiền...quá đỗi bình thường. Tôi nghĩ đến những điều lớn hơn.
Tháng 8 năm 2004 tôi mạnh dạn bỏ lại giảng đường đại học để từng bước va chạm vào cuộc sống khắc nghiệt của xã hội, tôi chính thức bắt đầu cuộc hành trình đầy sóng gió và chịu bao nhiêu điều dèm pha, tai tiếng, than phiền, chỉ trích…từ bạn bè, gia đình, người thân…
Năm 2006 tôi khởi nghiệp với số vốn ít ỏi tích lũy được (khoảng 35 triệu) và kinh nghiệm gần 3 năm làm cho 4 công ty (Unilever, P&G, Acnielsen, Nettra) với vị trí tương ứng: Nhân viên bán hàng, Giám sát bán hàng, Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường, Quản lý siêu thị dù rằng lúc này bằng tốt nghiệp cao nhất của tôi là tú tài.
Không ngoài dự đoán của bạn bè, người thân và cả tôi, sau 8 tháng công ty phá sản. Tôi trắng tay và nợ gần 60 triệu. Lúc đó tôi chẳng có tiền ăn sáng, ăn trưa, trả tiền nhà trọ…Vì không có tiền sửa xe tôi dẫn bộ chiếc cub 50 gần 15 km trong đêm khuya, bụng đói cồn cào mà trên người chẳng còn gì quý giá để cầm cố. Nhưng ở hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn lạc quan. Tôi tin chắc chắn mình sẽ vượt qua được khó khăn hiện tại này.
Rồi tôi nghĩ cách để trả nợ, để làm lại từ đầu, để từng bước sử dụng những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm…mình đã tích lũy được góp một phần dù rất nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà, làm cho nông dân giàu lên trên chính mảnh đất của họ.
Tháng 4 năm 2007 tôi đi làm thuê cho một công ty dẫn đầu về máy nông nghiệp tại Việt Nam, từng bước tích lũy tài chính để trả nợ, học hỏi kinh nghiệm...Sau gần 2 năm gắn bó với công ty tôi đang làm. Tháng 1 năm 2009 tôi được đề bạt từ nhân viên bán hàng lên Phó giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh rồi Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khi Chi nhánh chuyển sang Công ty độc lập.
Đến thời điểm hiện tại, ước mơ đầu tiên đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên tôi đã gặp nhiều trở ngại ở ước mơ thứ hai. Tôi đã nhận ra có nhiều hạn chế mà chỉ với kiến thức như tôi và mình tôi sẽ không thể xử lý được. Trong thời gian đó tôi liên tục bổ sung kiến thức của mình về lĩnh vực bán lẻ, lịch sử, văn hóa, địa lý....qua việc tự học.
Gần đây, hầu như tối nào tôi cũng về cặm cụi đọc các tài liệu, thông tin trên internet... Tôi có cảm giác niềm đam mê đã bắt đầu quay trở lại, hệt như những gì lần đầu tiên tôi đến với ngành nông nghiệp hay thời gian sinh viên cặm cụi tìm hiểu những kiến thức sơ đẳng nhất về kinh doanh.
Có vẻ tôi đã dần nhận ra một điều gì đó, để giải quyết bài toán nông nghiệp hiệu quả, tôi sẽ không chỉ cần những kiến thức vững chắc về mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà sẽ còn phải cần thêm một tư duy kinh tế và chiến lược sắc bén để khắc phục những hạn chế sâu xa hơn về mặt xã hội.
Cuối cùng, có một điều tôi biết là tôi đã và luôn cảm thấy hạnh phúc với những ước mơ và công việc mình đang làm. Phải chăng điều đó đã là đủ cho cuộc sống của một con người?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét