Tai hại những ông chồng tôn thờ vợ

Xin khẳng định một trăm phần trăm rằng yêu vợ không bao giờ là đủ. Chỉ tội cho trái tim anh chồng lúc nào cũng đập những nhịp bất an, lúc nào cũng phập phồng lo sợ... “yêu như thế vẫn còn chưa đủ”!
 

Có ông nhà thơ, yêu vợ đến mức bất cứ ngồi ở đâu, hàng nước chè hay trong các cuộc nhậu với bạn bè, kể cả ở cơ quan... câu chuyện vòng vèo thế nào cũng quay trở về với đề tài muôn thuở: “H. vợ tôi á, các cô bây giờ kém xa!”; “Việc này mà vợ tôi ra tay là xong ngay tắp lự”; “Vợ tôi giỏi giang lắm! Từ việc nhỏ đến việc lớn, đối nội đối ngoại, việc gia đình việc cơ quan... một tay cô ấy là đâu vào đó!”...

Nghe ông nhà thơ khen vợ, ai biết rồi thì cười, ai chưa biết thì khéo khen ông nhà thơ có cặp mắt tinh đời. Lấy được một cô vợ như thế thì rảnh rang, chẳng phải lo lắng gì. Thời gian chỉ để dành cho thơ và những chuyến đi mây về gió!

Ấy vậy mà bẵng đi một thời gian, có dịp ngồi với nhau, bạn bè thông báo vợ chồng nhà thơ bỏ nhau rồi. Tôi không tin! Quyết gặp bằng được ông nhà thơ để thoả mãn sự tò mò và tính hiếu kỳ của mình.

Nhà thơ bỏ vợ hay bị vợ bỏ? Nhà thơ, thở dài đánh thượt: “Cũng tại vì yêu vợ quá mới ra nông nỗi...”. “Tại sao?”. “Thì yêu quá, đi đâu cũng muốn đem vợ theo để “khoe” cùng thiên hạ mà không cần biết vợ mình có cả đống việc phải làm: gia đình, cơ quan, con cái, họ hàng nội ngoại... Muốn đem vợ đi nhưng vợ không đi, thế là mình ghen. Ghen quá hoá mù! Vợ không yêu nữa, thế là đứt gánh...”.

Yêu vợ mới chỉ ở mức độ mới đem khoe cùng thiên hạ rằng “ta tự hào đã cưới được vợ ta” thì cũng chưa ăn thua gì. Tôi biết một trường hợp khác yêu vợ đến độ muốn giấu rịt vợ đi, nên mới xảy ra cơ sự.

Anh T. là cán bộ quân đội, lĩnh lương cấp tá. Vợ anh là giảng viên đại học. Thời bao cấp khốn khó không nói làm gì. Mấy năm gần đây, đời sống khá giả lại nhàn hạ vì con cái đã trưởng thành. Đứa lớn đi làm đứa nhỏ cũng đã vào đại học. Là người có đầu óc thẩm mỹ, biết cách ăn mặc, vợ anh ngày càng đẹp ra.

Nhìn vào, rõ là một gia đình hạnh phúc. Mà hạnh phúc thật, nếu như anh T. không nghe lời xui khôn, xui dại của mấy ông bạn đồng nghiệp, trong một cuộc nhậu tới bến rằng: “Vợ đẹp như thế, ông không khéo giữ có ngày mất như chơi!”. Lời nói gió bay, nhưng khi tỉnh hơi men, anh bỗng giật mình. Không phải câu nói trên hoàn toàn không có lý.

Đêm đó, anh ngồi... ngắm vợ ngủ. Quả thật là nàng có đẹp hơn xưa, dù thân hình có hơi đẫy đà một chút. Tự dưng, trong lòng anh vẩn lên một nỗi lo sợ mơ hồ. Từ trước đến giờ, không bao giờ anh để cho vợ phải lo nghĩ bất cứ một điều gì, chưa bao giờ chị phải làm một việc nặng. Tất cả mọi việc trong nhà, họ mạc... anh tính toán thu vén. Ngoài giờ lên lớp, ở trường vợ anh chỉ có mỗi nhiệm vụ chăm sóc chồng con.

Nghĩ là làm, “thiết quân luật” (thời gian biểu) được anh tính toán sít sao và đưa ra ngay tắp lự. Mới đầu, vợ anh ngạc nhiên phản ứng nhưng anh tuyệt đối im lặng, không giải thích gì thêm. Nghĩ chồng mình “trái gió trở trời” ít bữa rồi thôi nên chị cứ mặc kệ.

Không ngờ... ngồi với tôi, chị thở dài: “Cứ cái đà này thì chị không chịu nổi nữa, em ơi! Ai lại bắt vợ suốt ngày chỉ ru rú ở trong nhà, không được giao tiếp với xã hội bên ngoài. Đến cả việc chợ búa, từ trước đến nay vốn là của phụ nữ anh ấy cũng không cho chị làm. Không được gặp gỡ đồng nghiệp nam. Sinh viên nam đến nhà hỏi bài, anh ấy cũng không cho chị ra tiếp...”.

Yêu như thế vẫn còn chưa đủ?

Ông nhà thơ nói trên sau khi bị vợ bỏ, liền cưới ngay cô vợ thứ hai. Xinh hơn, đẹp hơn, làm cùng cơ quan, tuổi lại chỉ đứng ở hàng con cháu.

Vẫn yêu vợ như cái thuở: “Vợ bảo...”. Ông nhà thơ đưa ra cái lý lẽ của mình: “Chả hiểu đám đàn bà con gái nghĩ gì, cần gì ở cánh đàn ông? Được chồng yêu thì phải lấy làm hạnh phúc chứ! Khối bà, khối cô mong chồng mình không ngoại tình, không đi đêm về hôm chẳng được. Đằng này, được chồng yêu như thế, lúc nào cũng nhất vợ, lại còn... Hay là họ được đằng chân, lân đằng đầu? Thật không hiểu nổi”.

Hay như gia cảnh nhà anh T. Không chịu được cái kiểu yêu vợ đến mức thái quá của chồng, chị đòi ly hôn. Anh không đồng ý. Ngược lại, anh càng chứng tỏ “tình yêu” của mình một cách mãnh liệt hơn. Bất cứ lúc nào có thể, anh lại “đòi yêu” và đòi “quyền được yêu”. Chị vợ, vì lo nghĩ nhiều nên đã xuống sắc một cách ghê gớm. Cuộc sống của gia đình họ bây giờ là sự chịu đựng lẫn nhau, nhất là đối với chị. Còn anh cho biết anh vẫn yêu vợ như thuở nào, dù cuộc sống có nhiều thay đổi...

Theo Ngọc Nga
Gia đình & Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét